Quy trình kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện


      Bộ công thương vừa ban hành Thông tư số 27/2013/TT-BTC Quy định về kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện, giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện.
Theo đó, việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện được tiến hành theo hình thức kiểm tra theo kế hoạch (thông báo trước) và kiểm tra đột xuất (không thông báo trước), được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, yêu cầu của đơn vị điện lực hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Thông tư quy định rõ nội dung kiểm tra hoạt động điện lực, bao gồm: kiểm tra việc thực hiện các nghĩa vụ được quy định; kiểm tra chất lượng điện; kiểm tra thiết bị đo đếm điện; kiểm tra công tác bảo vệ trang thiết bị điện, công trình điện lực và an toàn điện; kiểm tra thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán điện; kiểm tra việc thực hiện các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện.
Nội dung kiểm tra sử dụng điện tập trung vào việc kiểm tra điện áp; kiểm tra công suất và hệ số công suất; kiểm tra hệ thống đo đếm điện năng và các hồ sơ liên quan; kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn điện; kiểm tra việc thực hiện đúng nghĩa vụ ghi trong hợp đồng mua bán điện và các nghĩa vụ khác được quy định.
Sau khi kiểm tra, biên bản kiểm tra được lập theo mẫu quy định. Trường hợp phát hiện có nhiều hành vi vi phạm quy định về hoạt động điện lực hoặc sử dụng điện phải mô tả rõ, đầy đủ, chính xác từng hành vi vi phạm.
Trường hợp có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, biên bản kiểm tra, biên bản vi phạm hàng chính phải được chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt vi phạm trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày lập xong biên bản.

Giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện

Theo thông tư nói trên, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán điện phải căn cứ vào thỏa thuận tại hợp đồng đã ký giữa bên mua điện và bên bán điện. Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương chỉ giải quyết tranh chấp trong trường hợp 2 bên không tự thương lượng được và có thỏa thuận đề nghị giải quyết.
Chậm nhất sau 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị giải quyết tranh chấp, Cục điều tiết điện lực, Sở Công Thương có trách nhiệm thông báo tới các bên liên quan về việc xử lý tranh chấp, yêu cầu các bên liên quan cung cấp hồ sơ tài liệu; kiểm tra thực tế (trong trường hợp cần thiết) và xác minh hoàn thiện hồ sơ. Trường hợp từ chối đề nghị giải quyết chanh chấp, Cục Điều tiết điện lực, Sở Công Thương phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Mức phạt vi phạm nghĩa vụ hợp đồng căn cứ theo thỏa thuận trong hợp đồng nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo yêu cầu nộp tiền phạt, bên vi phạm phải thanh toán tiền phạt vi phạm hợp đồng cho bên vi phạm; nếu quá thời hạn trên, bên vi phạm phải chịu lãi suất chậm trả trên số tiền phạt theo quy định của pháp luật.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2013

Theo: Trang điện tử Chính phủ


CÁC TIN KHÁC:
Tắt bộ phát Wifi vào ban đêm để tiết kiệm điện
Phòng tránh tai nạn lao động ngành điện – trách nhiệm của người lao động và người quản lý
Rút điện tủ lạnh hoặc tủ đông vào ban đêm không hề giúp bạn tiết kiệm điện
Sử dụng thiết bị sưởi ấm an toàn
Lưới điện Hà Nội sãn sàng trước mùa mưa bão
TP.HCM : Vi phạm trong quy trình sử dụng điện- nguyên nhân chính dẫn đến hỏa hoạn
Thiết bị bảo vệ động cơ Motor Protector Himel
Tại sao cần lắp đặt thiết bị chống sét lan truyền
Cấu tạo máy cắt không khí
Tủ phân phối là gì