Sử dụng thiết bị điện tử kém chất lượng từ Trung Quốc gây tử vong
Hiện tượng điện giật, thậm chí là tử vong do các thiết bị điện tử kém chất lượng được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, gây nhiều nguy hại cho người tiêu dùng.
Các bộ sạc USB và bộ chuyển đổi được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc đang bày bán trái phép tại Úc đã gây giật điện hoặc thậm chí là tử vong cho người tiêu dùng. Cụ thể vào tháng 4 vừa qua, bà mẹ hai con Sheryl Anne Aldeguer, 28 tuổi, ở thị trấn NSW Gosford, đã bị giật điện khi cắm bộ sạc bị lỗi vào máy tính xách tay và gây nổ ngay lúc bà đang đeo tai nghe kết nối với máy tính.
Tổ chức Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Năng lượng Úc cho biết thêm, hồi tháng trước địa phương cũng đã xảy ra một vụ việc tương tự, đó là một người phụ nữ ở Rockingham bị điện giật vì thiết bị điện tử kém chất lượng.
Thiết bị điện tử Trung Quốc kém chất lượng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Ảnh minh họa
Tổ chức Bảo vệ Người tiêu dùng và An toàn Năng lượng tại Úc khuyến cáo khách hàng nên thực hiện "kiểm tra an toàn khẩn cấp" trên các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn mua tại các cửa hàng trên cả nước. Nhiều nhà bán lẻ thiết bị điện đã bị phát hiện bán sản phẩm kém chất lượng trong một cuộc điều tra kéo dài hai tuần của chính quyền khắp Tây Úc, từ Albany ở phía Nam đến Broome tại vùng phía bắc.
Bà Anne Driscoll người đứng đầu của nhóm Bảo vệ người tiêu dùng Úc, cho biết các thiết bị điện tử kém chất lượng được bán lẻ với giá khoảng 5 USD đến 25 USD rất khó để phân biệt với các sản phẩm đã qua kiểm định. Cơ quan đã rà soát hơn 30 sản phẩm khác để kiểm tra xem liệu chúng có đạt tiêu chuẩn Úc hay không, đồng thời còn công khai một danh sách các cửa hàng bán sản phẩm kém chất lượng nhằm giúp người tiêu dùng xác định chất lượng hàng hóa họ đang dùng. ”
Thiết bị điện tử kém chất lượng có thể gây cháy nổ dẫn đến nguy cơ giật điện. Ảnh minh họa
"Trong khi chúng tôi chắc chắn rằng đã kiểm tra tất cả các cửa hàng bán lẻ, thì có thể vẫn tồn tại một số cửa hàng mua bán sản phẩm nguy hiểm mà chúng tôi không hay biết, hoặc được rao bán trên mạng Internet", bà Driscoll nói .
Ken Bowron, lãnh đạo nhóm An toàn Năng lượng Úc cho biết, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 250,000 USD vì bán các thiết bị điện tử trái phép, còn cá nhân có thể bị phạt ở mức tối đa là 50,000 USD. Các nhà bán lẻ đã vi phạm pháp luật ngay trong việc không "hợp tác" nhằm nỗ lực dập tắt hoạt động mua bán các thiết bị điện tử kém chất lượng.
Ông Bowron khuyến cáo: "Người tiêu dùng nên chọn mua sạc pin hoặc bộ chuyển đổi của các thương hiệu có uy tín đáp ứng theo tiêu chuẩn Úc. Chúng tôi cũng cảnh báo người tiêu dùng không sử dụng thiết bị di động khi đang sạc và cũng không nên sạc qua đêm. Bên cạnh đó, các nhà phân phối và bán lẻ sản phẩm cần phải đảm bảo rằng, thiết bị điện tử họ bán là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn của Úc đồng thời các doanh nghiệp sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu phát hiện thấy bán sản phẩm điện tử trái phép."