Thiết bị điện dán nhãn năng lượng: những bất cập phía sau


bất cập dán nhãn năng lượng cho thiết bị điện

Chi phí tốn kém và mất nhiều thời gian

Mục đích của việc dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị điện đó là quản lý việc tiêu thụ điện năng, hạn chế bớt việc nhập khẩu và sản xuất những sản phẩm gây tiêu hao nhiều điện năng, thế nhưng lại có những bất cập về thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận năng lượng cho công việc này gây ra sự lãng phí thời gian và tốn kém tiền bạc đối với các doanh nghiệp đợi chứng nhận.

Theo Quyết định 51 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1-1-2013 bắt buộc dán nhãn năng lượng đối với nhóm thiết bị gia dụng và thiết bị công nghiệp. Từ ngày 1-4-2014, dán nhãn nhóm thiết bị văn phòng và thương mại. Và từ ngày 1-1-2015, dán nhãn năng lượng với nhóm phương tiện giao thông – vận tải.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và xây dựng Đa Lộc (huyện Định Quán), nói rằng: “Bên phía công ty xây dựng nhà máy xử lý rác thải, họ cần nhập khẩu một số thiết bị điện Schneider  thiết bị chiếu sáng, hàng về thì phải chờ thủ tục nhập kho, rồi đợi làm hồ sơ xin cấp chứng nhận để được dán nhãn năng lượng, gây tốn kém thêm tiền thuê kho bãi để hàng để chờ đợi việc cấp giấy dán nhãn”.

Ông Huỳnh Minh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ kỹ thuật điện Toàn Cầu ở quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: “Trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận để được dán nhãn năng lượng, các DN phía Nam phải chuyển hồ sơ ra Hà Nội, vừa tốn kém về tiền bạc lại vừa mất thời gian”.

Nhiều DN sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng bắt buộc phải dán nhãn năng lượng đều mong muốn Bộ Công thương phân cấp bớt việc dán nhãn năng lượng cho các tỉnh, thành trong cả nước để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu chi phí chờ đợi của các DN.

Bộ chưa trả lời

Theo Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Văn Quan, từ khi triển khai chương trình dán nhãn năng lượng cho các thiết bị điện, nhiều DN đã phản ánh những khó khăn trong khâu thủ tục. Sở Công thương cũng đã kiến nghị Bộ Công thương và Tổng cục Năng lượng, thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay khó khăn này vẫn chưa được giải quyết. Những DN nhập khẩu thiết bị điện phục vụ cho việc sản xuất và nhập khẩu hàng về kinh doanh hiện vẫn đang phải chờ đợi làm ảnh hưởng lớn đến công việc sản xuất, kinh doanh của họ.

Ông Thái Thanh Phong, Trưởng phòng Điện năng Sở Công Thương cho biết: “Nhiều DN đã đề xuất ý kiến xin đơn giản bớt thủ tục trong việc cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng, lập thêm văn phòng ở khu vực miền Nam và phân cấp bớt việc giấy tờ cho các tỉnh để giảm bớt chi phí và thời gian đi lại“. Ông Phong cũng chia sẻ thêm, Đồng Nai có văn bản gửi Bộ Công thương và Tổng cục Năng lượng từ giữa tháng 11-2013, đề nghị những DN nhập khẩu các thiết bị, phụ tùng thay thế phục vụ sản xuất, kể cả nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nguyên liệu gia công nên bỏ quy định dán nhãn năng lượng, nhưng hiện Bộ vẫn chưa trả lời.

Ông Huỳnh Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai đã khẳng định: “Cục Hải quan tiếp nhận được rất phản ánh của nhiều DN về việc dán nhãn năng lượng cho các thiết bị điện. Chúng tôi cũng đã đề nghị ngành công thương có kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho DN để giảm chi phí hàng lưu kho đợi dán nhãn năng lượng”.

Nhiều DN cho rằng, trong lúc phải tìm mọi cách cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng sức cạnh tranh thì việc tốn kém thêm từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng do nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập về phải nằm lại trong kho là hoàn toàn vô lý. Đồng thời, thủ tục cấp chứng nhận kéo dài, ảnh hưởng đến thời gian thông quan hàng hóa và hoạt động kinh doanh gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng doanh thu của các DN.


CÁC TIN KHÁC:
Thiết bị tiết kiệm điện có đúng như lời quảng cáo
Không nên sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ sẽ gây đần độn
Thiết bị cắt điện liên tục-Thiếu điện trầm trọng tại Nam Phi