Phòng tránh tai nạn lao động ngành điện – trách nhiệm của người lao động và người quản lý
Đối với ngành điện, tai nạn lao động thường là do các nhóm yếu tố gây nguy hiểm về điện: theo từng mức điện áp và cách tiếp xúc tạo nguy cơ điện giật, điện phóng, điện từ trường, làm tê liệt hệ hô hấp, tim mạch, thần kinh hoặc gây cháy, bỏng người lao động. Ngoài ra, còn có nguy cơ cháy do chập điện, phóng điện.
Theo thống kê thì tai nạn lao động chết người do điện chiếm 14% trong tất cả các vụ lao động chết người tạo ra. Trong thực tế, người lao động mặc dù đã được trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ an toàn bảo hộ lao động, được đơn vị tổ chức huấn luyện thường xuyên các quy trình quy phạm an toàn và định kỳ kiểm tra, nâng cao nghiệp vụ… nhưng số vụ tai nạn vẫn phát sinh hàng năm gây ra những thương tích cho bản thân người bị nạn và kéo theo hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Thực tế qua các vụ tai nạn thì một phần nguyên nhân tai nạn điện trong nhiều trường hợp lại do chính người lao động gây ra. Ngay cả khi người lao động đã thuộc lòng các quy trình, quy phạm về an toàn điện thì tai nạn lao động vẫn xảy ra vì một tích tắc mất cảnh giác, phán đoán sai, thao tác nhầm.
Trong môi trường làm việc nguy hiểm, ngoài thực hiện nghiêm các quy trình, quy phạm về an toàn lao động, người lao động còn phải luôn giữ đầu óc tỉnh táo khi thực hiện công việc.
Trong quá trình lao động sản xuất, việc đảm bảo an toàn lao động là một trong những vấn đề quan trọng nhất mà cả người quản lý và người lao động phải cùng nghiêm chỉnh chấp hành. Tai nạn lao động không bao giờ có “ngoại lệ” với người có trình độ học vấn, thâm niên , kinh nghiệm hay chức danh…
Vì vậy, đối với người lao động, trước hết phải tự giác học tập, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, phải nghiêm khắc, có trách nhiệm với đồng đội và ngay với cả bản thân mình, nghiêm túc sẵn sàng góp ý, góp ý với đồng đội, góp ý với cấp trên và kiên quyết từ chối làm việc khi thấy mất an toàn. Đối với người quản lý, phải quan tâm, tìm hiểu, nắm bắt công việc; phải hiểu tính chất, đặc điểm, điều kiện tiến hành công việc để chuẩn bị, để lường tránh, đề ra các biện pháp an toàn cụ thể cho từng công việc; phải tìm hiểu những quy định mới để phổ biến cho người lao động từ đó cùng bàn bạc và tìm ra phương án áp dụng và biện pháp thực hiện công việc hiệu quả.
Đặc biệt người quản lý phải bám sát và tăng cường kiểm tra hiện trường. Kiểm tra ở đây không chỉ là để nhắc nhở tìm cái sai, cái thiếu sót của người lao động để răn đe, xử phạt mà cái lớn hơn là để hiểu rõ điều kiện làm việc, tình trạng sử dụng trang thiết bị của người lao động và cũng để kiểm tra lại bản thân xem mình xử lý có đúng không, có cần rút kinh nghiệm gì để điều chỉnh cho công việc lần sau.
Khi xử lý tình huống, người quản lý cũng như người có trách nhiệm phải thật kiên quyết, phải phát huy hết quyền hạn, tuyệt đối không được nể nang, càng không được ngại va chạm (ngay cả với cấp trên) mà không dám tham gia kiến nghị.
Công tác kiểm tra hiện trường, thiết bị thường xuyên đảm bảo phòng chống các nguy cơ mất an toàn điện
Điện không gây ra nguy hiểm cho những ai tôn trọng và tuân thủ tốt các quy tắc an toàn lao động sản xuất. Người thợ điện rõ ràng phải là người hiểu về điện nhất, đồng thời cũng là người nắm rõ nhất các cách phòng vệ tai nạn lao động từ điện.
Thói quen tỉnh táo trong suy nghĩ, lời nói, hành động của mỗi người nếu được rèn tập thường xuyên, lâu dài sẽ trở thành lối sống văn minh, tích cực và một thái độ làm việc nghiêm túc, thận trọng, khoa học, mọi lúc, mọi nơi.
Tất cả chúng ta hãy chung tay, cùng nhau góp sức xây dựng một môi trường lao động lành mạnh, đó chính là môi trường làm việc An toàn- Hiệu quả - Công bằng, qua đó thể hiện được trách nhiệm của mình đối với bản thân, đồng nghiệp, gia đình, cho ngành và toàn xã hội.
Theo :pcquangninh.npc.com.vn